Ngày 10-2-1970, tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Tiểu đoàn 516 được tuyên dương anh hùng với 8 chữ vàng “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng vũ trang của tỉnh có 3 tiểu đoàn được tuyên dương anh hùng gồm Tiểu đoàn 560, Tiểu đoàn 263 và Tiểu đoàn 516.
Dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ xã Tân Xuân nhân kỷ niệm 58 năm ngày thành lập Tiểu đoàn 516.
Thành lập vào ngày 15-4-1964, Tiểu đoàn 516 đã đánh 393 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 6 tiểu đoàn đoàn địch, 28 đại đội, 59 trung đội, 63 tiểu đội, 93 đồn tua. Bắn chìm và cháy 134 tàu thuyền, bắn rơi và bị thương 92 trực thăng, địch chết và bị thương 27 ngàn tên, bắt sống 1.017 tên, thu 2.727 súng các loại, phá hủy 1.500 súng các loại. Các trận đánh lớn như trận Lộ Thơ, huyện Châu Thành, trận cầu Xã Diệu, trận đánh đồn Tân Xuân - giải phóng xã, để làm bàn đạp đánh Chi khu Ba Tri vào những tháng đầu năm 1975…
Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn 516 và kỷ niệm 47 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), tôi nhớ lại bài thơ đã biết cách đây hơn 30 năm kể về trận đánh vào đồn Tân Xuân và Chi khu Ba Tri đầu năm 1975 của Tiểu đoàn 516.
Hồi năm 1990, khi đó tôi vừa học hết lớp 5, ba tôi có nhận làm người thân với một bà cụ khoảng 60 tuổi, quê ở xã Phước Tuy (bây giờ là xã Phước Ngãi) huyện Ba Tri, mà chúng tôi thường gọi là bà nội. Hồi ấy bà đi bán thúng, giống, nia. Bà thường hay ghé vào nhà tôi xin ngủ nhờ qua đêm để ngày mai tiếp tục đi bán cho đến khi hết mới về lại xã. Cứ dăm ba ngày, bà về rồi lại lên. Lâu dần, ba tôi nhận làm người thân luôn. Sau mỗi ngày buôn bán khắp nơi ở huyện Giồng Trôm, chiều về nhà, bà thường mua cốm tán cho chúng tôi ăn. Đêm ngủ thì tôi ngủ chung với bà. Có hôm bà hỏi, con học lớp mấy, có thích đọc thơ không. Tôi bảo thích. Rồi bà đọc ra bài thơ này. Có lần tôi hỏi, bà viết bài thơ này hả? Bà bảo “không”, bài này người dân quê bà truyền miệng với nhau như một bài đồng dao thôi chứ không biết ai sáng tác, thể thơ lục bát như sau:
“Năm nay, năm Mẹo rõ ràng (năm 1975)/ Tháng Giêng, hai chín, tay nàng vấn vương (tức là ngày 29-1)/ Phước Tuy là chỗ an khương/ Ba giờ đêm ấy vấn vương tay nàng/ Cuộc Cảnh sát với nhà làng/ Đôi đàn súng nổ, hai làng phân tranh/ Phước Tuy tại đồn giáp ranh/ Chỉ trong 10 phút tan tành xác xơ/ Tân Xuân khi ấy bất ngờ/ Hú cho sứ mạng hai điều Tử - Sanh/ Phân chi tính kế rất nhanh (Phân Chi khu Ba Tri)/ “Tam thập lục kế” vậy đành phải dong/ Chạy ra chỉ có mình không/ Vô tình viên đạn ngang hông, trúng liền/ Ô hô mạng vĩ huỳnh tiền/ Linh hồn du ngoạn xuống miền âm tri/ Nhân dân tại chợ Ba Tri/ Tóm gom đồ đạc, vậy thì xuống ghe/ Kẻ đi Mỹ Tho, người về Bến Tre/ Ngày sau trở lại lắng nghe tin nhà/ Ba Lai với Vàm Rạch Già/ Vàm Hồ ông Hậm thật là long đong/ Cây da thì ở trong giồng/ Cây dương giồng Dúi đều đồng như nhau/ Mùng một lính xuống ồn ào/ Đi thôi hùng hổ khác nào bão giông/ 53 thì đi mé trong (Tiểu đoàn 503 Ngụy)/ Tiểu đoàn 54 đi vòng cây Da (Tiểu đoàn 504 Ngụy)/ Đi thôi vừa tới xóm nhà/ Láng heo, ông chủ tên là Bảy Phu/ Bộ đội ở mé mù u/ Tấn công ồ ạt chổng khu chạy dài/ Xác chết để lại ba ngày/ Còn lớp bắt sống vẫn ngay vô rừng/ Ba mươi pháo bắn cầm chừng…”.
Có lần công tác về xã Phước Tuy, tôi có đọc bài thơ này cho các đồng chí lãnh đạo xã nghe. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã xác nhận là các địa danh trong bài thơ này đều có tại địa phương và tại xã Tân Xuân. Ông cũng xác nhận, bài thơ có thể kể về trận đánh của Tiểu đoàn 516 vào đồn Tân Xuân và Chi khu Ba Tri vào đầu năm 1975. Hôm đi dự họp mặt truyền thống Tiểu đoàn 516 tại xã Tân Xuân mới đây, tôi dốc lòng đọc ra bài thơ này, chú “Hùng soái” hiện ở xã An Thủy khẳng định với tôi rằng, đó là trận đánh đồn Tân Xuân, giải phóng Tân Xuân để làm bàn đạp đánh Chi khu Ba Tri và giải phóng huyện. Trận đánh lớn của Tiểu đoàn 516 kéo dài vài ngày sau đó, đánh ban ngày với sự truy kích, giằng co giữa ta và địch. Chú “Hùng soái” còn cho biết, trận đánh này không khác gì trận Lộ Thơ.
Họp mặt ngày hôm ấy, có rất nhiều nhân vật lịch sử với những câu chuyện được kể đầy chiến công và anh hùng. Câu chuyện gan dạ của chú Dũng Oanh - Nguyễn Hoàng Oanh - Trung đội trưởng Trinh sát của Tiểu đoàn 516 với 2 lần ra - vào đồn địch như “đi chợ”. Về nữ anh hùng, xạ thủ số 1, Tiểu đội trưởng Tiểu đội cối 82, Đại đội 5 trợ chiến, cô Nguyễn Thị Xuân Vân (út Vân, còn gọi được gọi với tên thân mật “út ẹo”) đã bắn 6 quả cối 82, cháy 3 chiếc M113. Trong điều kiện hết sức khó khăn, cây súng cối đã bị mất chân đứng và thước ngắm. Cô bắn xong 6 quả cối, hai bàn tay bỏng nặng.
Riêng về bài thơ của tôi biết, hồi ấy tôi có hỏi bà nội: “Rồi còn nữa không bà”, bà bảo, bài thơ dài lắm nhưng bà chỉ thuộc tới đây thôi. Cứ mỗi đêm về là bà đọc bài thơ này cho tôi nghe, rồi tôi ngủ lúc nào không hay. Vậy đó, cứ đêm về là bà đọc và tôi đã thuộc cho tới giờ.
Nguồn: Báo Đồng Khởi