THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG
SẢN XUẤT DỪA HỮU CƠ TẠI XÃ THẠNH PHÚ ĐÔNG
Dừa là một trong những loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, chịu hạn, mặn tốt. Hiện nay, Tổng diện tích dừa của xã ổn định 1.173,1 ha, trong đó có 1.173,1 ha đang cho trái, năng suất 12.960 trái/ha/năm, sản lượng 15.203.376 trái.
Cơ cấu giống dừa gồm 02 nhóm là nhóm dừa lấy dầu (chiếm 40,3%) và nhóm dừa uống nước (chiếm 59,7%) gồm các giống như: dừa xiêm xanh, dừa xiêm đỏ, dừa xiêm vàng, dừa dâu, dừa dứa, dừa Mã lai,…. Về tiêu thụ: các hộ dân hiện đang được công ty Betrimex hỗ trợ thu mua dừa hữu cơ với giá cả ổn định, ngoài ra có hộ bán cho các cơ sỡ chế biến nhỏ lẽ…
Với tốc độ phát triển diện tích, sản lượng dừa của tỉnh tăng nhanh, trong những năm gần đây ngành nông nghiệp xã Thạnh Phú Đông đã mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng dừa cho người dân như trồng dừa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ thông qua tập huấn, xây dựng mô hình/dự án khuyến nông như mô hình “Giải pháp phục hồi vườn dừa sau thời gian hạn mặn”, mô hình “Dừa đạt chuẩn VietGAP”, dự án “Sản xuất dừa theo hướng hữu cơ gắn sản xuất với tiêu thụ phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu”, nhằm hướng dẫn người dân sản xuất gắn với thị trường, ổn định và bền vững.
Hiện nay, việc tiêu thụ dừa của xã cũng không ổn định, một số doanh nghiệp đang mở rộng liên kết và có nhu cầu thu mua nguyên liệu dừa hữu cơ. Vì vậy, để có thể đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, cũng như thỏa mãn nhu cầu của các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu, ngành hàng dừa (hữu cơ). Xã Thạnh Phú Đông có các định hướng như sau:
1. Về phát triển vùng nguyên liệu: Định hướng phát triển vườn dừa theo hướng bền vững, quy hoạch các vùng sản xuất dừa tập trung theo hướng hữu cơ, gắn với phát triển du lịch sinh thái, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho tiêu thụ trái tươi và phục vụ chế biến, nâng cao giá trị canh tác dừa.
2. Tổ chức sản xuất: Nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ chức nông dân đặc biệt là năng lực quản trị và liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm; Tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương có các mô hình canh tác, liên kết sản xuất-tiêu thụ theo chuỗi giá trị dừa hữu cơ hiệu quả,...
3. Ứng dụng khoa học công nghệ: Nghiên cứu chọn tạo và sử dụng giống dừa có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường tiêu thụ để đưa vào sản xuất; Xây dựng và nhân rộng các mô hình/dự án ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ.
4. Xúc tiến thương mại: Đào tạo-tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các cơ sở sơ chế, chế biến dừa; mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cá nhân đầu tư công nghệ giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; hỗ trợ, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, điều kiện sơ chế cho HTX đáp ứng yêu cầu, điều kiện khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ.
HUẾ THÔNG