Site banner
Chủ nhật, 24. Tháng 11 2024 - 8:39

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Hiệu quả mô hình đốt rác trong lò tại hộ gia đình

Đầu năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo “Đốt rác trong lò tại hộ gia đình”, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới. Mô hình đem lại hiệu quả bước đầu. Rác thải không còn vứt bừa bãi trên đường làng, ngõ, xóm; ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp của người dân được nâng lên.

Đốt rác trong lò tại hộ gia đình góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường.

Trước đây, do tập quán, thói quen sinh hoạt, phần lớn rác thải sinh hoạt của hộ gia đình ở xã Thạnh Phú Đông không được xử lý, chủ yếu vứt xuống kênh rạch, thải ra ngoài đường... gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Để giải quyết vấn đề này, tháng 3-2020, Hội LHPN xã Thạnh Phú Đông đã tuyên truyền, vận động người dân xây dựng lò đốt rác tại hộ gia đình để tập trung thu gom, xử lý rác, hạn chế rác thải phát sinh ra ngoài môi trường.

Hội LHPN xã chọn ấp Hưng Phú A làm điểm thực hiện. Hội vận động 60 hội viên phụ nữ thực hiện mô hình. Mỗi hộ gia đình có 2 sọt rác để phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ và hố đốt rác có nắp đậy. Khi mới triển khai, Hội gặp rất nhiều khó khăn do thói quen vứt rác bừa bãi xuống ao, các túi nylon đi chợ về cũng quăng ném lung tung không được phân loại hay chôn đốt. Tuy nhiên, do được vận động tích cực từ Hội LHPN xã nên bà con ấp Hưng Phú A hiểu được lợi ích từ việc đốt rác trong lò tại nhà nên nhiệt tình hưởng ứng. Ban đầu chỉ có 10 hộ tham gia nhưng đến nay đã có 86 hộ tham gia.

Bà Lê Thị Thủy - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú Đông cho biết: “Qua tuyên truyền, vận động, lúc đầu bà con nhận thức chưa đầy đủ, sợ tốn kém kinh phí để làm lò đốt rác. Nhờ kiên trì vận động, phối hợp với ấp, chính quyền địa phương hướng dẫn hội viên phụ nữ ấp Hưng Phú A thực hiện thí điểm để nhân dân nhìn thấy lợi ích của việc đốt rác trong lò có nắp đậy. Từ đó, nhiều hộ dân đã làm theo. Trong thực hiện, Hội LHPN xã thường xuyên nhắc nhở trong các buổi sinh hoạt của tổ hội để thêm nhiều hội viên biết và thực hiện”.

Lò đốt được xây dựng bằng bê-tông, cao khoảng 90cm, bán kính khoảng 80cm, phía trên có nắp đậy để tránh nước mưa. Chi phí mỗi lò 300 ngàn đồng, trong đó, Hội LHPN xã Thạnh Phú Đông hỗ trợ 50% chi phí.

Bà Đoàn Thị Thanh,  ấp Hưng Phú A xã Thạnh Phú Đông cho biết: “Trước đây, chưa có lò đốt rác, gia đình tôi thường gom thành từng đống tại góc vườn, đợi đến khi khô mới đốt. Khi trời mưa, rác ẩm ướt bốc mùi hôi thối. Nay có lò đốt, việc xử lý rác dễ ràng hơn, lại không mất vệ sinh môi trường”. Bà Trần Thị Muộn ngụ cùng ấp chia sẻ: “Tôi thấy cách đốt hố rác này rất hiệu quả, không có gây ô nhiễm môi trường, không có cháy lan, ảnh hưởng bên ngoài”.

Từ hiệu quả tích cực của mô hình trên, Hội LHPN xã Thạnh Phú Đông tiếp tục tuyên truyền, vận động thêm 4 ấp: Hưng An A, Hưng An B, Hưng Bình A, Hưng Bình B. Đến nay, toàn xã đã xây được 120 cái lò đốt rác trong lò. Người dân bắt đầu quen với việc phân loại rác và xử lý rác. Rác thải sinh hoạt được xử lý khoảng 80%.

“Với chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện, lại có tính ứng dụng cao, trong thời gian tới, còn 3 ấp chưa thực hiện được, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục phối hợp vận động bà con, chị em phụ nữ thực hiện để góp phần hoàn thành tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới” - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú Đông Lê Thị Thủy cho biết thêm.

Nguồn: Báo Đồng Khởi